null Những gam màu sáng trong hoạt động Văn học nghệ thuật ở huyện Đông Hải.

Văn hóa - Thể thao - Du lịch
Thứ hai, 08/06/2020, 11:12
Màu chữ Cỡ chữ
Những gam màu sáng trong hoạt động Văn học nghệ thuật ở huyện Đông Hải.

Văn học, nghệ thuật là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Góp phần cổ vũ, khích lệ các phong trào hành động cách mạng; phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần; thúc đẩy xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của Bộ chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong những năm qua UBND huyện Đông Hải luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung về phát triển văn học, nghệ thuật. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vai trò của văn học, nghệ thuật đã và đang được phát huy, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đông Hải là Huyện trọng điểm về kinh tế biển, có bờ biển dài trên 23 km, có hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản diễn ra nhộn nhiệp; cửa biển Gành Hào chảy ra biển Đông gắn với công trình đê kè, vạt rừng phòng hộ xanh ngút ngàn chạy dọc theo tuyến đê ven biển; cánh đồng muối trắng mênh mông... là vùng căn cứ địa cách mạng, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên - cái nôi cách mạng của tỉnh Bạc Liêu; có đền thờ Bác Hồ được nhân dân chăm lo xây dựng… với con người nhân hậu, chất phát, thân thiện anh hùng trong kháng chiến, nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế; hàng năm diễn ra lễ hội nghinh ông Gành Hào, kỳ yên Đình thần Nguyễn Trung Trực… thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan. Định Thành  là vùng đất mà trong thời gian bị chia cắt với người bạn đời của mình, Bác Cao Văn Lầu đã rút ruột “tiếng tơ lòng” để viết bài “Dạ cổ hoài lang”; nét đẹp nơi cửa biển Gành Hào làm chất liệu cho nhạc phẩm rất nổi tiếng, thành công nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển – Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, “Biển cạn” của soạn giả Ngô Hồng Khanh, “Quê Chồng” của Trọng Nguyễn... đó là những vốn quý để Đông Hải phát triển văn học nghệ thuật thời gian qua.

Trao giải nhất (tân nhạc và cổ nhạc) Hội thi giọng hát hay huyện Đông Hải thường niên năm 2017. Ảnh: TP.Trao giải nhất (tân nhạc và cổ nhạc) Hội thi giọng hát hay huyện Đông Hải thường niên năm 2017. Ảnh: TP.
Quan tâm chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn như: Các di tích lịch sử văn hóa, đình, chùa… được trùng tu tôn tạo. Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động  văn hóa, nghệ thuật, phong trào văn nghệ quần chúng, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc kinh, hoa, khơme được giữ gìn và phát huy đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội bền vững trên địa bàn huyện.

Để thúc đẩy phong trào văn học nghệ thuật ở địa phương, Huyện đã tranh thủ các nguồn kinh phí xây dựng 4 thiết chế văn hoá xã, 84 nhà văn hóa ấp. Hỗ trợ kinh phí hoạt động, thành lập chi hội văn học nghệ thuật với 27 thành viên là nơi sinh hoạt giao lưu, sáng tác, biểu diễn các loại hình văn học, nghệ thuật như: sáng tác văn học (truyện ngắn, thơ...), nghệ thuật ( kịch, chập cải lương, bài bản tài tử, vọng cổ, múa, nhạc, nhiếp ảnh); biểu diễn ca, đờn tài tử, múa, triển lãm ảnh... một đội thông tin lưu động, một CLB đờn ca tài tử cấp huyện trên 50 thành viên, hàng chục câu lạc bộ đờn ca tài tử cấp xã, ấp, cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Đây là lực lượng nồng cốt trong các phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, duy trì và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở địa bàn dân cư.

Hỗ trợ ngân sách và vận động các nhà tài trợ tổ chức các hội thi cấp huyện mang tính truyền thống như: Hội thi giọng hát hay, hội thi ảnh thời sự - nghệ thuật, liên hoan đờn ca tài tử; xuất bản tập tin “Đông Hải trên đường phát triển” được duy trì từ khi thành lập huyện đến nay. Xây dựng chương trình thực hiện đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Đờn ca tài tử”, Huyện thường xuyên tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác các bài bản tài tử, vọng cổ cho các nghệ nhân; dạy ca cho những người yêu thích ca hát, các em học sinh, thầy cô giáo. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm tài trợ kinh phí mời các tổ chức như Hội nghệ sĩ, nhiếp ảnh, sân khấu...trung ương, khu vực, tỉnh về Đông Hải giao lưu, sáng tác; tài trợ kinh phí xuất bản các sản phẩm văn học nghệ thuật. Đến nay huyện đã xuất bản trên 10 sản phẩm thơ, nhạc, bài bản tài tử - vọng cổ, ảnh đề tài về Đông Hải bằng các loại hình sách và đĩa DVD. Hàng chục buổi sinh hoạt nghệ thuật, bài ca, bài bản tài tử được các đài truyền hình, phát thanh trung ương, khu vực, tỉnh về ghi hình, ghi âm phát sóng. Hàng chục tác phẩm nhiếp ảnh, sáng tác bài bản – vọng cổ của các nghệ nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh của huyện đạt các giải cao quốc tế và trong nước. Qua các sân chơi đã nổi lên nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu như: nghệ nhân Ba Tố, Ba Sang, cố nghệ nhân Tư Đờn được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú; nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Hoàng được kết nạp vào Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Các nghệ nhân ca như: Ngọc Trinh, Thanh Thúy, Ánh Nữ, Hoàng My, An Tin... đạt nhiều giải cao cấp tỉnh và khu vực. Nhiều bạn đã đi theo con đường chuyên nghiệp như: Giang Tuấn, Thúy An, Hoàng Huynh, Thùy Trang, Ánh Nữ...

Các hoạt động văn học nghệ thuật thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đáp ứng được cơ bản nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, cổ vũ phong trào cách mạng của địa phương.

Để nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật, thời gian tới huyện Đông Hải sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý về vị trí, vai trò đặc trưng của văn học nghệ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi, phát huy dân chủ, sáng tạo đổi mới trong sáng tác. Đồng thời làm tốt công tác định hướng chính trị, nêu cao tính thẩm mỹ, cổ vũ cái hay, cái đẹp và lên án phê phán cái xấu, tiêu cực những tác phẩm trái với các giá trị chân, thiện, mỹ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lịch sử cách mạng. Khuyến khích các hoạt động sáng tác, biểu diễn bám sát thực tiễn cuộc sống, tiếp thu các giá trị tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động cho lực lượng văn nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, tài tử; quan tâm, có chính sách phù hợp để văn nghệ sĩ có thu nhập chính đán từng bước đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tiếp tục hỗ trợ, tăng  ngân sách, xem đầu tư cho văn học nghệ thuật là đầu tư cho phát triển, tăng cường vận động tài trợ duy trì các hoạt động, các hội thi chuyên ngành hàng năm tạo sân chơi, cơ hội tiếp cận công chúng cho các tác phẩm mới, chất lượng.

Phát huy những kết quả tích cực thời gian qua và bằng giải pháp cụ thể nêu trên, tin rằng hoạt động văn học nghệ thuật của huyện Đông Hải sẽ phát triển sôi nổi hơn nữa, tương xứng và tương thích với thế mạnh vốn có, mang lại cho đời nhiều “hoa thơm trái ngọt”./.      

Số lượt xem: 1403

Tô Minh Đương, PCT UBND huyện

Thăm dò
Thống kê truy cập
Liên kết web
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐÔNG HẢI
Đơn vị chủ quản: UBND tỉnh Bạc Liêu; Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông
Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Hồng Cẩm- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải
Địa chỉ: Ấp III, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại, fax: 02913 844 376 - Email:
pvhtthdh@baclieu.gov.vn - pvhtthdh@gmail.com