null Di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Văn hóa – Xã hội
Thứ hai, 14/09/2020, 13:40
Màu chữ Cỡ chữ
Di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Tháng 2 năm 1930, thực hiện chủ trương của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng, các đồng chí Trần Văn Giác, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Văn Cừ thay mặt Đảng, tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản làng Phong Thạnh, có 3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Uông làm bí thư. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 26/01/2011, di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích là một mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời sớm nhất của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Bạc Liêu và trong khu vực lúc bấy giờ. Cùng với các tổ chức cơ sở Đảng khác trong khu vực, Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh kịp thời lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp và bọn tay sai giành lấy ngọn cờ độc lập dân tộc cho Tổ quốc. Đây là tiền đề, là nền tảng để các chi bộ, Đảng bộ Bạc Liêu phát triển sau này và lãnh đạo các phong trào cách mạng của quần chúng.

Ngày 17/01/2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành làm lễ khởi công công trình tái hiện, tôn tạo di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích là 2.305,5 m2, kinh phí đầu tư dự án trên 04 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình như: Bia kỷ niệm, nhà trưng bày, khu dừa nước, khuôn viên cây xanh và một số hạng mục công trình khác, được hoàn thành vào cuối năm 2008. Hạng mục chính và nổi bật nhất của di tích là Bia kỷ niệm, ý nghĩa gắn liền với sự ra đời, hoạt động và tôn vinh Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh nói riêng và Đảng bộ Bạc Liêu nói chung. Bia có ba phần chính: Phần hoa hướng dương 12 cánh tượng trưng cho mặt trời luôn chiếu sáng. Hai bên là hai bàn tay nâng hoa hướng dương nói lên sự tôn vinh chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là ánh sáng truyền bá của chủ nghĩa Mác – Lênin vào nước ta và lan tỏa ra khắp nơi trong cả nước, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 

Chính giữa hoa hướng dương là bức phù điêu diễn tả cuộc họp Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh, với ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ, đó là đồng chí Nguyễn Văn Uông, bí thư và hai đảng viên Trần Văn Tiện và Châu Văn Lục. Ba đồng chí này đã lãnh đạo nhân dân trong vùng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp dưới nhiều hình thức. Từ một chi bộ với chỉ ba đảng viên, đã phát triển thành nhiều chi bộ, đảng bộ trong toàn tỉnh. Mặt sau của bức phù điêu là phần tóm tắt lịch sử hình thành Chi bộ. Trên cùng là biểu tượng hai cánh tay nâng lá cờ Đảng, thể hiện sự trân trọng, ơn Đảng dẫn dắt trong đấu tranh chống phong kiến và thực dân Pháp. Hạng mục thứ hai là nhà trưng bày, lấy nguyên mẩu nhà ba gian của gia đình ông Trần Văn Tiện ở trước đây, địa điểm diễn ra các cuộc họp của Chi bộ. Không gian trong nhà được sử dụng để trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về sự ra đời và phát triển của Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh nói riêng, Đảng bộ Bạc Liêu nói chung. Trong nhà có tổ hợp tái hiện lại việc thành lập Chi bộ gồm 04 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người trực tiếp đứng ra triển khai và kết nạp cho 03 đồng chí: Nguyễn Văn Uông, bí thư chi bộ và 02 đảng viên Trần Văn Tiện và Châu Văn Lục.

Di tích hiện nay do Ban Quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch trực tiếp tiếp quản lý, tổ chức phục vụ đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày lễ, tết. Từ khi công trình được xây dựng đến nay, hàng năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan gồm nhiều đối tượng: Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trong tỉnh; cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân trên địa bàn. Trở thành địa chỉ đỏ cho các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng của các trường học, các hội đoàn thể trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di tích còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế chưa xứng với tầm vóc, ý nghĩa của nó. Đường dẫn vào di tích đoạn từ cầu Rạch Rắn vào nhỏ hẹp chỉ lưu thông xe 2 bánh và ô tô tải trọng dưới 500kg nên các đoàn khách đến bằng ô tô không vào được. Các hiện vật trưng bày tại di tích còn khá đơn điệu; các tư liệu, tài liệu, tranh ảnh, sách báo, phim ảnh về chi bộ còn rất hạn chế. Không có phòng chiếu phim; không có không gian để tổ chức các hoạt động ngoài trời…

Để phát huy các giá trị di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, thiết nghĩ Ban quản lý di tích cần thường xuyên sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh để làm phong phú nội dung trưng bày. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông qua các hoạt động hội thảo khoa học về vai trò, ý nghĩa của sự kiện thành lập chi bộ làng Phong Thạnh; đầu tư mở rộng diện tích di tích để bổ sung các hạng mục như: Nhà chiếu phim, khu dịch vụ kết hợp hoạt động ngoài trời, khu trồng cây xanh, nhà để xe… Nâng cấp, mở rộng đường vào di tích để xe khách 45 chổ có thể vào được. Nghiên cứu kết nối với các công ty lữ hành xây dựng di tích thành điểm đến trong sản phẩm tour du lịch về nguồn. Kiến nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các thành ủy, thị ủy, huyện ủy, các sở ngành nhất là Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ có kế hoạch chỉ đạo tăng cường các hoạt động về nguồn, hoạt động dã ngoại, hoạt động giáo dục truyền thống tại di tích.

Gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng của địa phương là công việc hiệu quả nhất để giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mọi người luôn tin yêu, gắn bó với chế độ và phấn khởi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.    

Số lượt xem: 7096

Thanh Phường

Thăm dò
Thống kê truy cập
Liên kết web
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐÔNG HẢI
Đơn vị chủ quản: UBND tỉnh Bạc Liêu; Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông
Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Hồng Cẩm- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải
Địa chỉ: Ấp III, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại, fax: 02913 844 376 - Email:
pvhtthdh@baclieu.gov.vn - pvhtthdh@gmail.com